Du lịch di tích lịch sử là loại hình du lịch khá phổ biến tại Gia Lai những năm gần đây. Địa bàn tỉnh Gia Lai có hệ thống di tích lịch sử đa dạng, phong phú, việc đưa các di tích lịch sử vào khai thác du lịch đã góp phần tại ra sức bật mới cho ngành du lịch của tỉnh.
Những điểm tham quan lịch sử ấn tượng tại Gia Lai
Nhà tù Pleiku
Di tích nhà tù Pleiku nằm trên đường Yết Kiêu, phường Diên Hồng, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Đây là một địa điểm lịch sử quan trọng, từng được sử dụng để giam giữ các chiến sĩ cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Nhà tù Pleiku được thực dân Pháp xây dựng vào năm 1925. Ban đầu, nhà tù được xây dựng với mục đích giam giữ những đồng bào dân tộc Tây Nguyên chống đối với chế độ áp bức bóc lột. Từ những năm 1940, cách mạng dân tộc bùng nổ, nhà tù Pleiku chuyển sang giam giữ các tù nhân chính trị, cách mạng, những người yêu nước.
Nhà tù Pleiku có 20 phòng, bao gồm 18 phòng giam và 2 phòng dùng làm chuồng cọp. Mỗi phòng giam chỉ có diện tích 10m2 với 2 ô cửa nhỏ nhưng giam giữ đến 120 người. Để dễ kiểm soát, thực dân Pháp đã phân loại tù nhân theo từng cấp bậc, thương tật, vùng miền. Những người tù bị nhốt tại đây bị tra tấn bằng nhiều hình thức dã man, tàn độc.
Ngày nay, nhà tù Pleiku không còn nguyên vẹn như trước nhưng vẫn còn lưu giữ nhiều hiện vật, dấu vết minh chứng cho tội ác của kẻ thù và tinh thần đấu tranh quật cường của những người cộng sản yêu nước.
Năm 2015, công trình Bia tưởng niệm Trại giam tù binh Pleiku được xây dựng trên nền trại giam cũ để tưởng nhớ tri ân những con người cách mạng đã ngã xuống vì đất nước. Vào năm 2017, nhà tù Pleiku đã lọt vào Top 10 điểm du lịch hấp dẫn nhất tại Gia Lai.
Bảo tàng tỉnh Gia Lai
Bảo tàng Gia Lai nằm ngay bên Quảng trường Đại Đoàn Kết, trung tâm Tp. Pleiku. Tiền thân của bảo tàng là Phòng Bảo tồn – Bảo tàng được thành lập ngay sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng 30/4/1975 để đáp ứng yêu cầu khai thác, giữ gìn di sản văn hoá dân tộc của tỉnh Gia Lai. Với không gian rộng đến 1.200m2, bảo tàng được chia làm 6 phòng trưng bày trong đó có gần 7.000 hiện vật gốc các loại.
Ngoài những hiện vật có giá trị cao về văn hóa truyền thống như cồng chiêng, trống đồng An Thành, phù điêu đá Chăm Pa, thuyền độc mộc, mô hình nhà sàn,…bảo tàng còn trưng bày, giới thiệu những giá trị lịch sử trong suốt quá trình đấu tranh của người dân từ phong trào Tây Sơn, làng kháng chiến Stơr của anh hùng Núp cho đến những hình ảnh chuyên đề về 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của quân và dân tỉnh Gia Lai.
Làng kháng chiến Stơr
Làng kháng chiến Stơr và anh hùng Núp là biểu tượng của “Đất nước đứng lên” trong cuộc kháng chiến chống Pháp.
Làng Stơr thuộc xã Nam, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai, cách thành phố Pleiku khoảng 70km về phía Đông. Tại làng Stơr, anh hùng Núp đã phát động và lãnh đạo dân làng đứng lên chống lại thực dân.
Dựa vào địa hình rừng núi hiểm trở, Anh hùng Núp đã tuyên truyền, vận động, hướng dẫn dân làng Stơr đoàn kết, mưu trí, dũng cảm, sử dụng những vũ khí thô sơ như dao rựa, giáo mác, cung tên, chông tre, bẫy đá… đánh tan nhiều cuộc càn quét của địch.
Đến đây, du khách sẽ được tham quan nhà tưởng niệm anh hùng Núp với nhiều hạng mục công trình trong đó có những hiện vật trưng bày, tranh ảnh về cuộc đời của vị anh hùng dân tộc. Bạn cũng có cơ hội tìm hiểu về đời sống thường ngày của đồng bào Ba Na và thưởng thức những món ăn đặc sản của vùng Tây Nguyên như gà nướng cơm lam, rau rừng, măng rừng,…
Khu di tích lịch sử Tây Sơn Thượng Đạo
Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo gồm 23 điểm, 8 cụm di tích phân bố trên địa bàn 4 huyện, thị xã gồm: An Khê, Đak Pơ, Kbang và Kông Chro.
Cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn được khởi phát tại vùng đất phía Đông Gia Lai vào thế kỷ XVIII, gắn liền với 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ, được xem là dấu son chói lọi trong lịch sử vẻ vang của dân tộc. Phong trào Tây Sơn cũng để lại cho hậu thế quần thể di tích được đánh giá cao về giá trị văn hóa, lịch sử, khoa học và thẩm mỹ.
Một số lễ hội lớn gắn với Quần thể di tích Tây sơn Thượng đạo vẫn được người dân địa phương duy trì tổ chức hàng năm như: kỷ niệm ngày mất Hoàng đế Quang Trung, lễ dâng hương tưởng niệm Chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa, lễ cúng Khai Sơn, lễ cúng Quý Xuân.
Tỉnh Gia Lai đã đầu tư nguồn lực để tôn tạo, bảo vệ và quảng bá giá trị Văn hóa – Lịch sử của Quần thể di tích Tây sơn Thượng đạo kết hợp với phát triển du lịch ở địa phương và toàn vùng.
Vườn mít – Cánh đồng Cô Hầu
“Vườn mít, Cánh đồng Cô Hầu” thuộc quần thể Tây Sơn thượng đạo, là căn cứ địa buổi đầu của phong trào Tây Sơn, nay thuộc xã Nghĩa An, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai.
“Vườn mít, Cánh đồng Cô Hầu” là nơi Yă Đố hay còn gọi là Cô Hầu – con gái một tù trưởng người Bahnar, vợ của Nguyễn Nhạc, người có công xây dựng lực lượng hậu cần cho quân đội Tây Sơn trong những năm đầu khởi nghĩa. Bà cùng đồng bào trong vùng cùng nghĩa quân khai phá một vùng đất rộng 20 ha ở chân núi Cà Nong (nay thuộc xã Nghĩa An) trồng lúa và cây lương thực. Ngoài ra, bà còn cho trồng thêm một vườn mít nhằm tạo thêm nguồn thực phẩm cung cấp cho nghĩa quân.
Trong khu di tích có nhà bia tưởng niệm, khắc ghi công trạng của Yă Đố cùng người dân Bahnar. Bên cạnh nhà bia tưởng niệm là cánh đồng lúa xanh, nơi bà và đồng bào năm xưa khai hoang, trồng cây lương thực, được người đời sau gọi là “Cánh đồng Cô Hầu”.
Di tích đã được Bộ Văn hóa – Thông tin – Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1991.
Để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, tỉnh Gia Lai đã tạo sự gắn kết chặt chẽ, thống nhất giữa bảo tổn, phát huy giá trị di sản và phát triển du lịch, tạo điều kiện cho du khách tiếp cận với các giá trị văn hóa ở địa phương.