Lễ cúng cầu mưa của Yang Pơtao Apui là sự kiện Văn hóa – Du lịch quan trọng của tỉnh Gia Lai nhằm quảng bá hình ảnh , tiềm năng của tỉnh cũng như bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc.
Nguồn gốc của Lễ cúng cầu mưa của Yang Pơtao Apui
Trong tín ngưỡng của người Jrai, Vua Lửa cùng với Vua Nước và Vua Gió là 3 vị thần có tầm ảnh hưởng rộng khắp vùng Tây Nguyên xưa, giữ vai trò đặc biệt trong cầu nối giữa dân làng với các vị thần.
Nhờ thanh gươm thần, Vua Lửa có thể hô mưa, gọi gió, mang lại mùa màng bội thu cho người dân.
Mặc dù hiện nay, Vua Lửa chỉ còn trong tiềm thức nhưng ông luôn dành được sự tôn kính đặc biệt của người dân Plei Ơi. Ngọn núi thần Chư Tao Yang được xem là nơi trú ngụ của các Vua Lửa và không ai dám đến gần nếu chưa được phép.
Khi Vua Lửa không còn, các phụ tá của Vua Lửa là người thực hiện nghi thức cúng Yang Pơtao Apui trên đỉnh núi thần.
Di sản tín ngưỡng Pơtao Apui có thể xem là những mảnh còn sót lại cuối cùng của tín ngưỡng đa thần, tôn thờ thần Pơtao Apui của những người làm nông nghiệp, từng có sinh kế chủ yếu dựa vào trồng lúa ở một trong những vùng nắng nóng và khô hạn nhất Tây Nguyên.
Lễ cúng cầu mưa của Yang Pơtao Apui được diễn ra khi nào? Ở đâu?
Lễ cầu mưa của Yang Pơtao Apui được tổ chức tại Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi, xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, Gia Lai.
Những năm trước, nghi lễ thường được tổ chức vào giai đoạn cao điểm của mùa khô khoảng tháng 4, tháng 5 nhưng năm 2025 nghi lễ được tổ chức sớm hơn vào cuối tháng 3. Lễ cúng cầu mưa luôn thu hút đông đảo người dân và du khách đến tham gia. Để đảm bảo tính linh thiêng nên lễ cúng sẽ hạn chế số người lên núi, do đó từ năm 2024, lễ cầu mưa được truyền hình trực tiếp qua màn hình tivi dưới sân khu di tích để người dân cùng xem.
Nghi lễ cúng cầu mưa của Yang Pơtao Apui
Chuẩn bị lễ vật
Phần lễ vật để thực hiện nghi lễ được chuẩn bị chu đáo, bao gồm 1 con heo đen lớn còn sống để đem lên núi làm vật tế, 1 ghè rượu, 1 tô gạo, 1 phần thịt heo ngon nhất.
Tiến hành nghi lễ
Người được giao trọng trách thay dân làng thực hiện nghi lễ cúng cầu mưa là phụ tá của Vua Lửa.
Đúng 9h sáng, phụ tá sẽ dẫn đầu đoàn nghi lễ gồm 10 người đều là những bậc cao niên và có uy tín của buôn làng rước lễ vật lên đỉnh núi thần cúng cầu mưa để cầu xin một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt và người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Sau khi lễ vật được bày ra, phụ tá của Vua Lửa sẽ thực hiện nghi thức cúng. Đầu tiên, ông sẽ thực hiện động tác xoang đại bàng cất cánh để gửi lời cúng đến các thần linh, cùng lúc đó tiếng chiêng, tiếng trống được tấu vang vọng khắp núi rừng.
“Hỡi các thần linh, xin cùng về đây nhận lễ vật của dân làng và ban cho mưa xuống để người dân có nước trồng tỉa, lúa trổ nhiều bông, chắc hạt, mùa màng bội thu, lúa đầy bồ, thóc đầy kho, mọi gia đình trong buôn làng được no đủ.”
Sau đó, người phụ tá rẩy và xoa nước vào bụng các già làng để cầu sức khỏe, cầu phúc, sau đó lạy 3 lạy chào thần linh rồi rót nước vào ghè rượu.
Vừa khấn, phụ tá vừa lấy gạo, thịt trong tô vãi ra xung quanh để mời các vị thần cùng về dự lễ. Tiếp đến, ông rót đầy rượu vào 1 cái, lấy thịt đem đến đổ đổ vào gốc cây và chân núi đá như để tưởng nhớ các Pơtao Apui và cầu xin các Pơtao Apui phù hộ cho lời cầu khấn của dân làng thành hiện thực.
Một điều cấm kỵ rất quan trọng trong Lễ cầu mưa của Yang Pơtao Apui đó là lễ vật không được dùng thịt bò. Các Vua Lửa quan niệm bò là loài vật gần gũi, giúp con người cày ruộng, kéo gỗ nên khi xưa các vua đều kiêng ăn thịt bò. Việc kiêng kỵ này được tuân thủ đến suốt đời.
Các hoạt động văn hóa tại lễ cúng cầu mưa
Trong khuôn viên di tích Vua Lửa, các đoàn nghệ nhân của các xã, thị trấn trong huyện tưng bừng diễn xướng cồng chiêng cùng nhiều nghi lễ truyền thống của người bản địa như lễ mừng lúa mới, lễ mừng nhà mới, lễ xuống đồng, lễ bỏ mả,…
Đây là dịp để du khách có những trải nghiệm thú vị và đầy chân thực về các lễ hội truyền thống Tây Nguyên.
Lễ hội cũng là dịp để tỉnh Gia Lai giới thiệu, quảng bá đặc sản địa phương thông qua các phiên chợ hàng nông sản, giới thiệu sản phẩm OCOP, sản vật địa phương, quà lưu niệm,…
Lễ cầu mưa của Yang Pơtao Apui là sự kiện quan trọng nhằm gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tốc Jrai.