Dốc Vạn Long với địa hình đặc trưng là những vách đá có hình thù đặc biệt là địa điểm du lịch địa hương đang được nhiều du khách biết tới khi đến khám phá Gia Lai.
Dốc Vạn Long nằm ở đâu?
Dốc Vạn Long tọa lạc tại làng Pliết Kte, H’Bông, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai. Dốc Vạn Long từ lâu đã là địa điểm quen thuộc đối với người dân địa phương nhưng chỉ mới xuất hiện trên bản đồ du lịch trong thời gian gần đây.
Hướng dẫn đường đi đến Dốc Vạn Long
Dốc Vạn Long nằm cách trung tâm Pleiku khoảng 55km. Từ ngã 4 thành phố, bạn đi theo QL14 vào đường Hùng Vương. Đến công viên văn hóa Kpă Klơng thì rẽ trái vào QL25. Di chuyển khoảng 53km, bạn rẽ trái theo hướng vào Tịnh xá Bát Nhã rồi chạy thẳng sẽ đến Dốc Vạn Long.
Thời điểm thích hợp để tham quan dốc Vạn Long
Đường đi bộ vào con dốc khá trơn trượt, vì thế bạn nên đến đây khi thời tiết nắng ráo vào khoảng tháng 10 đến tháng 6 năm sau. Nhiệt độ ở đây khá cao, bạn nên chuẩn bị đầy đủ tư trang che nắng. Nếu muốn có những bức hình đẹp, bạn nên đến đây vào sáng sớm hoặc chiều muộn, khi tiết trời dễ chịu nhé.
Khám phá Dốc Vạn Long
Dốc Vạn Long hay còn gọi lại dốc Lưng Bò, có hình dạng kiến trúc đắc biệt nên thường được liên tưởng đến các công trình kiến trúc Ai Cập cổ đại.
Sở hữu vẻ đẹp độc đáo, dốc Vạn Long có hình thù tựa như những con rồng với những nét họa tiết uốn lượn độc lạ được tạo thành do quá trình xói mòn tự nhiên được diễn ra trong nhiều năm của đất, đá, cát.
Con dốc còn gây ấn tượng bởi những màu có độ đậm nhạt, đường vân khác nhau, nên người dân địa phương ví nó như những hoạt tiết thổ cẩm được thêu trên váy của đồng bào dân tộc J’rai.
Toàn bộ không gian con dốc được bao phủ bởi sắc màu vàng nâu đặc trưng thường thấy ở các công trình kiến trúc Ai Cập, cùng với những đường nét gợn sóng to nhỏ sắp xếp một cách tự nhiên đã tạo nên cảnh quan cuốn hút đến kỳ lạ.
Đến đây, du khách có thể đi tham quan thiên nhiên xung quanh, đi bộ để khám phá con dốc và lưu giữ những bức ảnh “độc lạ” tại đây.
Một số điểm du lịch nổi tiếng của Gia Lai
Thác Chín Tầng
Nằm giữa đại ngàn Tây Nguyên hoang sơ, thác Chín Tầng là điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích vẻ đẹp tự nhiên và thích khám phá núi rừng.
Tên gọi “Chín Tầng” xuất phát từ địa hình đặc biệt của thác – những dòng nước len lỏi qua các tảng đá gập ghềnh, tạo thành chín bậc thác uốn lượn liên tiếp. Mỗi tầng có độ cao từ 5 đến 10m, riêng hai tầng cuối cao khoảng 15m, tạo nên khung cảnh hùng vĩ, thơ mộng.
Đến với thác Chín Tầng, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ vĩ của thác nước giữa núi rừng mà còn có cơ hội khám phá hệ sinh thái đa dạng, hòa mình vào không gian thiên nhiên trong lành, yên bình. Đây chắc chắn sẽ là điểm dừng chân tuyệt vời cho hành trình khám phá Gia Lai của bạn!
Biển Hồ Chè
Biển Hồ Chè là một trong những điểm đến thơ mộng và xanh mát bậc nhất Gia Lai. Nằm trên bờ Bắc của Biển Hồ, nơi đây là sự kết hợp hài hòa giữa hồ nước thủy lợi và những nương chè bạt ngàn, xanh mướt. Chính vì vậy, người dân Pleiku đã ưu ái đặt cho nơi này cái tên Biển Hồ Chè.
Cách trung tâm TP Pleiku khoảng 13 km, thuộc địa bàn huyện Chư Păh, đồi chè có diện tích hơn 1.000 ha, trải dài đến tận những ngọn núi xung quanh. Đây cũng là đồn điền chè đầu tiên do người Pháp xây dựng tại Gia Lai, được hình thành từ những năm 1920. Với cảnh sắc thiên nhiên yên bình, không khí trong lành và những hàng chè thẳng tắp trải dài tít tắp.
Biển Hồ Chè là địa điểm lý tưởng để du khách tham quan, tận hưởng không gian cao nguyên xanh mát và lưu lại những bức ảnh đẹp.
Hồ T’Nưng
Hồ T’Nưng, còn được gọi là Biển Hồ hay hồ Ea Nueng, là một hồ nước ngọt nằm tại xã Biển Hồ, cách trung tâm TP Pleiku khoảng 7 km về phía Bắc. Nơi đây thuộc quần thể Khu du lịch sinh thái lâm viên Biển Hồ – Chư Đăng Ya và là một trong những điểm du lịch sinh thái, văn hóa, tâm linh nổi tiếng của Gia Lai.
Hồ T’Nưng nằm giữa cao nguyên ở độ cao khoảng 800m so với mực nước biển, với diện tích gần 300ha. Hồ được hình thành từ ba miệng núi lửa đã ngừng hoạt động, kết nối với nhau. Bờ hồ chính là miệng núi lửa nhô cao, tạo nên địa hình độc đáo. Đứng từ đây, du khách có thể phóng tầm mắt bao quát khung cảnh thiên nhiên thơ mộng và kỳ vĩ của Biển Hồ – nơi được ví như “đôi mắt Pleiku” xanh biếc quanh năm.
Chùa Minh Thành
Chùa Minh Thành là điểm đến lý tưởng cho những ai muốn tìm về chốn bình yên, tịnh tâm và khám phá nét đẹp văn hóa tâm linh khi đến với Gia Lai.
Tọa lạc tại số 348, đường Nguyễn Viết Xuân, phường Hội Phú, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai, chùa Minh Thành gây ấn tượng mạnh với lối kiến trúc độc đáo, mang đậm hơi thở của xứ Phù Tang (Nhật Bản), đồng thời chịu ảnh hưởng của kiến trúc Trung Hoa. Sự kết hợp hài hòa này tạo nên nét đặc trưng riêng biệt, khác với nhiều ngôi chùa truyền thống ở Việt Nam.
Chùa Minh Thành được xây dựng bởi Hòa thượng Thích Giác Đạo và dần trở thành một điểm du lịch tâm linh nổi tiếng, thu hút đông đảo Phật tử và du khách thập phương đến tham quan, chiêm bái.