Tây Nguyên, vùng đất đỏ bazan với những con con đường được bao phủ bởi những cánh rừng cao su bạt ngàn, mang vẻ đẹp lãng mạn cho vùng cao nguyên vào mùa thay lá.
Gia Lai được xem là thủ phủ của cây cao su với diện lên đến hơn 100 ngàn ha được trồng từ thời Pháp thuộc.
Nằm cách trung tâm thành phố Pleiku khoảng 23km, huyện Chư Păh được xem là nơi có rừng có cao su đẹp nhất Gia Lai.
Chạy dọc theo quốc lộ 14, khi những ngôi nhà dần thưa thớt, bạn sẽ thấy những con đường xuyên rừng cao su dần hiện ra trước mắt.
Dọc hai bên đường là những hàng cây cao su được người dân trồng thẳng tắp, chạy dài đến khi vượt khỏi tầm mắt của bạn. Cây cao su trông khẳng khiu nhưng lại vô cùng vững chãi và đầy kiêu hãnh giữa cái nắng, cái gió của Tây Nguyên.
Cây cao su là một trong những cây công nghiệp mang lại giá trị kinh tế cao cho tỉnh Gia Lai, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình.
Mủ cao su thường được người dân thu hoạch trong 9 tháng, 3 tháng còn lại không được thu hoạch vì đây là thời gian cây thay lá, nếu khai thác sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của cây cao su về sau.
Bên cạnh lợi ích về kinh tế, những cánh rừng cao su còn mang lại giá trị cảnh quan cho nơi đây.
Khí hậu Gia Lai mang đặc trưng hai mùa rõ rệt trong năm: mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10, mùa khô bắt đầu tư tháng 11 đến tháng 4 năm sau.
Vào mùa khô, độ ẩm và nhiệt độ thấp, đây cũng là thời điểm chuyển giao khi những khu rừng cao su rục rịch thay lá.
Cao su là cây thay lá thường niên. Vào độ cuối thu, hàng hàng lớp lớp cây cao su dần thay tấm áo xanh bằng chiếc áo vàng “ mơ phai” Khoảnh khắc chuyển mình cả khu rừng đẹp như một bức tranh đa sắc.
Từ sắc vàng, khu rừng chuyển sang màu đỏ cam. Những chiếc lá rơi rụng tạo nên thảm lá vàng thu mang vẻ đẹp lãng mạn.
Đi giữa con đường xuyên rừng cao su bạn như lạc vào xứ sở thần tiên của những câu chuyện cổ tích.
Tham quan rừng cao su vào mùa thay lá là hành trình cảm xúc đáng nhớ, giúp bạn có những trải nghiệm tuyệt vời giữa sự bình yên, thơ mộng của thiên nhiên Gia Lai.